Đăng trong BlueJan, NHƯ MỘT MÓN QUÀ

Vút ngược bầu trời

Hồi bé cô rất thích ngắm máy bay. Không phải những cái xác máy bay to lớn, xù xì trưng bày cùng nhiều thứ vũ khí giết người trong viện bảo tàng Chiến thắng B52. Cũng không phải cái máy bay trực thăng cánh quạt nằm như con chuồn chuồn khổng lồ trong dinh Độc Lập mà phải là những chấm bạc sáng nhấp nháy, có thanh âm và chở nhiều ao ước.

Nhưng hình như không chỉ mình cô. Thời đó – tức là cái thời trẻ con nếu không biết đánh trận giả, nhảy dây, chơi quay, chơi đồ hàng hay bồng em bé thì không còn gì khác để chơi ấy – thời đó, hình như tất cả những đứa trẻ hay nghịch ngợm và mơ mộng như cô cũng đều thích ngóng cổ nhìn theo bóng dáng máy bay bay ngang thành phố. Chả hiểu sao những cái chấm bé tẹo lượn qua lượn lại trên bầu trời miên man nắng hay lồng lộng gió lại quyến rũ bọn trẻ con nhiều đến thế nhỉ? Chỉ cần nghe tiếng động cơ âm âm u u vọng ngang tai thì dù có đang say sưa chơi khăn chơi chuyền với bọn con Thảo hay nhảy dây thắt bím với bọn con Hoa cô cũng phóng như bay ra sân để kịp khum khum tay nhìn cho kỳ được cái chấm đen từ lúc còn mờ mờ cuối chân trời cho đến lúc nó hiện rõ dần, rõ dần thành hình hài đủ cả đèn xanh đỏ nhấp nháy; để chỉ trỏ, để reo hò, để ồ à “Máy bay, máy bay …!” với mấy đứa nhóc cũng nhón chân ngóng cổ, như cô!

Hồi bé, ba của cô thường đi xa. Cả tháng mới ghé về ngang nhà một vài buổi tối, ăn vội đôi bữa cơm rồi lại xếp dọn hành lý bôn ba. Giữa những lần về ấy, thể nào ba cũng dành cho mấy mẹ con cô (và cả hàng xóm láng giềng) những túi quà nhỏ xinh, rất lạ mua từ khắp mọi miền đất nước. Theo cùng những ngày vui ấy là nhịp đàn của ba hòa câu hát vang vang sáng cả đêm trăng…

“…Ngả nghiêng cánh chim, con tàu sẽ rời, rời xa thành phố rồi.
Mây giăng thật thấp. Mây đan lụa trắng. Mây pha màu nắng…
Vượt cao vút cao, mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần.
Tuyết ơi xin nhuộm trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương…”

Chắc vì nghe ba hát nên hồi bé cô luôn luôn nghĩ bên ngoài đôi cánh sắt đang chao liệng kia bầu trời chắc phải xanh ghê lắm. Cô ước ao nếu được lên trên ấy – dù chỉ một lần thôi, trong đời – nhất định cô sẽ chọn bằng được một chỗ ngồi ngay bên cửa sổ. Để khi máy bay bay vào mây, cô sẽ vén rèm mở toang cửa, đưa tay ra ngoài vốc từng vốc mây mịn màng xinh đẹp, hoặc sẽ xoè đôi bàn tay xiu xíu trắng hồng cho mây trôi dần mát rượi qua những ngón tay ngoan. Cô cũng nhất định phải xin mẹ một chiếc túi con con, chiếc túi thêu hình bông cúc thật đẹp như chiếc mẹ vẫn dùng đi tiệc ấy, để lấy đầy một túi mây mang về khoe khắp xóm …

Hồi đó, gia đình cô còn ở nhà tập thể. Cô vẫn nhớ như in cảm giác mình đã ghét đắng ghét cay một thằng bé cũng ở chung khu nhà tập thể với cô như thế nào. Thằng nhóc đó đen thủi đen thui, người sắt như một cây đinh, mặt tròn xoay, môi cong cớn; nhìn không thôi cũng đã thấy ghét huống hồ nói chuyện! Thằng nhóc đó là đứa duy nhất mỗi khi nghe cô kể về giấc mơ đưa mây xuống thấp bao giờ cũng bĩu môi xem thường, lại còn hừ một tiếng rồi bảo “Tớ thì tớ chỉ thích mang lên máy bay một túi … rác, để khi máy bay đi ngang qua thành phố, tớ sẽ mở ô cửa kia ném túi rác cái rầm cho cái bọn đứng bên dưới như cậu phải u đầu mới sướng cái tay…!”.

Thế, bảo sao không ghét!

Lớn hơn một chút, khi biết đọc sách và mơ mộng, cô không còn chạy ra ngoài ngước mắt nhìn lên. Thay vào đó, trong những giấc mơ mang nhiều màu sắc của cô bao giờ cũng có hình ảnh chàng hoàng tử bé tóc vàng như tơ, tay giữ đóa hồng nhung, đầu nghiêng nghiêng, hiêng hiếng cặp mắt xanh non đến bên cô theo những “Chuyến bay đêm” xuyên qua ánh trăng lung linh như dát bạc của Saint Exupery. Những chuyến bay ấy bao giờ cũng hiện diện cùng “một bầu trời trong như nước đang tắm gội cho các vì sao, cho gió, cho cát và cho biển…”

Nhưng cuộc đời vốn nhiều biến động có chịu quẩn quanh hay ngừng lại với riêng ai…!

Khung trời cổ tích của cô đi qua, tuổi thơ hồn nhiên mơ mộng của cô cũng đi qua. Nhiều, rất nhiều năm tháng dài cô quên mất niềm vui được ngước lên nhìn những cánh máy bay chao qua bầu trời cao vời vợi thuở nào. Trừ lần “được lên máy bay” đầu tiên thật sự xúc động và lưu dấu; những lần sau đó, việc ra sân bay với cô không có chi háo hức. Cô đủ “lớn” để hiểu bên ngoài ô cửa tròn bầu trời chưa hẳn đẹp và xanh như ngọc còn “mây trắng trôi qua bàn tay” là sự viễn mơ, miên man và khó nắm bắt nhất cuộc đời… Dù sân bay, hay nhà ga, bến tàu, bến xe; dù bóng nhoáng sang trọng hay nhếch nhác bình dân, dù thẳng tắp mênh mông hay quanh co nhỏ hẹp thì cũng chỉ gợi cho cô cảm giác chia ly, bất an và xa lạ. Cô không thích những cuộc tiễn đưa hay đón rước. Cô không thích bất cứ ai phải bận lòng chuyện cô đến hay đi. Cô lại càng không thích thấy hình ảnh chiếc máy bay mới mấy chục phút trước còn đang kiêu bạc, căng tràn lướt vùn vụt giữa không trung, thoáng chốc trở nên trống trỗng chơ vơ sau khi tiếp đất. Với cô, mỗi lần thấy người ta vội vàng lên máy bay, rồi lại vội vàng xuống máy bay – nhưng dù đi, dù đến cũng chẳng mấy ai lưu luyến nhìn lại đôi cánh sắt vừa đưa mình vượt qua một chặng đường dài – hay làm cô chạnh lòng, nghĩ ngợi…!

Sáng nay cô không thể đưa anh ra sân bay… Đứng từ cửa sổ phòng học, lần đầu tiên, sau nhiều, rất nhiều thời gian tự mình từ chối, cô ngước mắt nhìn lên khoảng không bao la đầy nắng vàng hoe sau cơn bão. Nghĩ tới cái dáng cao to, rám đen vững chải và đôi môi cong ngày xưa đòi mang rác lên trời, cô bật cười thành tiếng. Phía đông, xa xa là mây trắng, không hề có bóng dáng máy bay. Nhưng cô biết, từ một phương khác, ngược nơi cô đang đứng, sẽ có một chấm nhỏ chở niềm tin yêu của cô vút ngược bầu trời.

Và cô âm thầm chờ đợi …

Quỳnh Lam

Đăng trong BlueJan, NHƯ MỘT MÓN QUÀ

Bản Ballad tháng Tư

Việt hát, vì một tháng Tư của chị.

Không còn nghi ngờ gì nữa. Tháng Tư về rồi, về thật rồi đấy em …!

Sau những ngày ầm ì, ngột ngạt, nóng nực và bức bối… cao nguyên trở nên dịu hẳn khi những cơn mưa kèm theo sấm chớp đì đùng từ đại ngàn xa thẳm đã xuất hiện đều đặn trên bầu trời thành phố. Mưa về làm xanh lại những hàng gỗ dầu đang mùa trổ bông. Thảng hoặc nhìn lấm tấm hoa buông mình xoay trong gió mà chợt thấy lòng bình yên lạ lùng. Mưa về làm non hơn những mầm nụ xà cừ khẽ đâm, tách, vươn mình ra từ thớ vỏ xù xì gai góc. Một chút gì đó như cheo leo, như mỏng mảnh nhưng hàm đựng nhiều hơn cho sự tồn tại, bất luận trong hoàn cảnh khó khăn nào. Mưa về, dù muốn dù không cũng làm bung nở những chùm hoa trắng muốt ngào ngạt nức hương Cà phê trong những buổi mai thơ thẩn trên cung đường đi thể dục…

Em ơi, tháng Tư đã về qua thành phố, về thật rồi đấy em …!

Dù có qua bao nhiêu thời gian – kề bên hay cách xa, còn nhau hay mất nhau, trôi xa hay ở lại thì tháng Tư vẫn vậy. Vẫn đến và để lại những cơn mưa đầu mùa buông mình ào ào bất chợt. Để lại hối hả đó đây trên vạn dặm sinh tồn những cánh áo mưa khoác vội. Để lại thấp thoáng đôi uyên ương nào ấy nép chặt vào nhau hơn hòng tranh phần chở che trong chiều dông vội vã. Để lại nhiều thương cảm cho những gánh hàng rong lỉnh kỉnh, nghèo buồn loay hoay tìm chỗ ẩn trú mà hơn một lần ta cắm cúi lướt qua…

Tháng Tư – ta, vốn ruổi mình theo cuộc mưu sinh vốn có thường nhật, bất chợt dừng ở ngã tư đèn đỏ ngước trông một nhành Phượng tím. Chao ôi, màu tím đẹp quá, tím đến buốt hồn, lẻ loi và lạ lẫm trên nền trời nắng gắt chói chang. Những tưởng phượng tím chỉ hiện hữu ở Dalat thân yêu thôi…?!

Thế mới biết – ở đâu luôn vốn nhiều tình thương yêu bao bọc… ở đấy sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến bất ngờ với chính bản thân ta.

Em, tháng Tư đang lách cách ghép vội những ngổn ngang, vụn vặt nghĩ suy thành con chữ, tạo cái cớ cho lòng mình dâng trào khi nhận được tin nhắn của nhau mà thấu cảm từng bước chân hối hả; từng khoảnh khắc buồn vui.

Em, tháng Tư với tất cả đợi mong hẹn ước – như cơn mưa hôm nào ùa về sau những ngày xa xôi, cách trở – ta có thể nào buông mình vào nhau với tất thảy tình yêu và nỗi nhớ? Hay… ta có thể nào bù đắp thật nhiều để khỏa lấp đi những muộn phiền của tháng Ba và những tháng ngày khắc khoải trước đó, được không em…?

Clip, Việt làm cho chị trong một phút ngẫu hứng đầu tháng Tư…

Đăng trong BlueJan, NHƯ MỘT MÓN QUÀ

Tháng ba hoa gạo nở

“…Tháng ba hoa gạo nở

Tiễn chị đi lấy chồng

Con đò thương úp mặt

Mưa ướt một triền sông…”

Mới ngày nào còn lao xao tết nhất; chộn rộn toan lo. Tháng giêng trôi qua nhanh với hội hè đình đám, giờ đã tháng Ba rồi.

Sáng, đưa con đi học – bất chợt gặp một góc trời rực đỏ màu hoa Gạo – những đóa bung mình hết thảy; hết thảy cháy; hết thảy dâng hương sắc. Những nụ mầm cuối cùng của mùa hoa Gạo, hay mùa Pơ lang, hay mùa Mộc miên rơi đầy mặt đất làm lòng anh chùng xuống. Anh chẳng thể nào nhớ được mình đã đọc mấy câu thơ trên ở đâu; lúc nào và của ai nữa… nhưng hình ảnh người em, người chị, người phụ nữ tiễn biệt lên đường theo chồng xa xứ làm anh bất giác chạnh lòng, và – anh lại nghĩ đến em.

Mười hai bến nước – trong nhờ đục chịu. Ai cũng biết thế, nghĩ thế, nhưng có ai có đủ may mắn chọn sẵn cho mình được bờ bến để an nhiên sống, để an nhiên cười và an nhiên cho những người thân ruột thịt…?

Còn hoa Gạo, anh băn khoăn tự hỏi – sao lại có loài hoa chẳng ăn nhập chi với chuyện tình duyên lại trở thành hình ảnh làm người ta bần thần xao xác? Có lẽ vì hoa gạo hay mọc đơn độc nơi bờ sông, vách núi chăng? Hay vì nó gắn liền với hình ảnh con đò, dễ làm người ta liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ tảo tần, mảnh mai yếu đuối một mình qua sông? Hay là tại bởi cái bến sông làm người ta cứ muốn dùng dằng, níu người thân yêu ở lại bên nhau thêm chút nữa…?

Tháng Ba, Tây Nguyên nắng trắng trời, gió bạt đất. Vậy mà những đốm đỏ hoa gạo bùng lên sáng nay làm góc nhỏ tĩnh lặng trong anh trở nên dậy sóng. Cơn mưa hôm nào bên em bất chợt ùa về. Trực phát trong anh cũng theo đó ùa về làm cả tháng Ba khô cong không mưa mà sẫm ướt. Và lòng anh chợt thấy rưng rưng…

BJ

_____

P/s: Em à, năm nay lại bắt gặp cây gạo cũ – anh nối tiếp chút thôi!

Đăng trong BlueJan, NHƯ MỘT MÓN QUÀ

Chiếc gùi đong đưa

Em, anh sẽ không bắt đầu câu chuyện kể sáng nay bằng những nhớ thương thường nhật luôn ngự trị trong lòng. Anh cũng không bắt đầu câu chuyện bằng sự đổi thay của nắng, của gió vào những ngày thu đông làm anh mệt mỏi! Chuyện anh kể em nghe thật ra chỉ là một chút lan man suy nghĩ của anh khi bất chợt trên đường công tác anh nhìn thấy hình ảnh chiếc gùi trên tấm lưng cong của những người phụ nữ miền sơn cước!

Hẳn em không quên tản văn “Cả sơn nguyên trên một chiếc gùi” của nhà báo Nguyễn Hàng Tình? Tản văn ấy không chỉ làm anh, làm em rung động sâu sắc trước cái nhìn tinh tế của tác giả về trời mây Dalat, về nếp sinh hoạt của người dân nơi xứ sở ngàn thông quê em mà còn làm cả hai ta phải suy nghĩ rất lâu về hình ảnh những người phụ nữ từ trẻ đến già suốt một đời lầm lụi, miệt mài gánh trên vai cả một miền sơn khê. Tất nhiên “gánh trên vai” chỉ là cách nói ví von, nhiều ẩn dụ nhưng quả tình hình ảnh chiếc gùi trên những vai gầy còn đọng mãi trong anh và khiến anh vương mang tìm kiếm.

Sáng nay, khi cho xe chạy về hướng thảo nguyên M’drak mênh mông nắng gió, anh đã sững người gặp lại những tốp phụ nữ già có, trẻ có, trẻ em cũng có nhưng đa phần gầy guộc, nước da xạm màu, nhiều người còn đi bằng đôi chân trần nứt khô tóe máu trên con đường gập ghềnh, nhiều bụi đỏ… Họ đi ngược hướng núi, em ạ, với chiếc gùi trên vai là những rau, những sắn… hay những thứ sản vật nào đấy có thể do họ trồng cấy hay hái lượm được. Nhưng, điều làm anh nhìn theo họ đến hút tầm mắt không phải là ở dáng vẻ hiền lành nhẫn nại, cần cù chịu khó mà chính là cái cách họ đi. Từng người, từng người bước qua, ngăn nắp và đều đặn, thẳng tắp và ngay hàng, lặng im và bền bỉ, không một lần ngẩng lên hay quay đầu nhìn lại. Trước mắt họ hình như chỉ có một con đường mà họ biết chắc sẽ đưa chân họ tiến dần vào vùng đô thị được bao phủ bởi ánh đèn phù hoa, áo quần giăng mắt và bê tông cốt thép choáng ngữ tầm nhìn.

Nhưng đừng nghĩ họ đang bị phố phường “lôi kéo”. Đơn giản đó chỉ là một hành trình đi về giữa núi rừng và đồng bằng, vậy thôi. Cứ nhìn những đôi tay chai sần, búi tóc héo khô, nét mặt chưa bao giờ thấy ưu tư, sầu muộn nhưng cũng hiếm hoi mới nở nụ cười dễ làm ta nhầm tưởng họ đang chịu đựng cái khó, cái nghèo. Nhưng khi nhìn thật sâu vào mắt họ mới thấy tất cả họ đều có chung một ánh mắt đen nhức, thẳng ngay, quyết liệt thay câu trả lời; rằng với họ, phố phường chỉ là nơi đánh đổi đôi món gạo thuốc chăn màn, còn đại ngàn mới thực sự là miền đất sống. Sống từ hơi thở dồn lên trong lồng ngực khi đưa tay giữ núm cồng chiêng, sống cho đến những bước chân thình thịch đi suốt thời thanh nữ… Anh tin dù những gót chân kia dẫu có vào phố thị bao lâu thì chỉ khi trở về trên những sườn dốc trong mùa bão rớt trượt trơn hay nơi thung sâu hun hút gió… chúng mới lại in hằn lên đất cái dáng tròn tròn chắc nịch, vẹn nguyên và chung thủy muôn đời.

Em ạ, anh biết, dù anh có cảm thông với họ hay cố “nhìn về phía họ” thật lâu thì có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ, hoặc còn lâu – rất lâu – mới hiểu hết tâm tư của những người phụ nữ đi suốt chiều dài cuộc đời với chiếc gùi trên vai và bụi đỏ lấm lem chân đất; nhưng anh cho rằng sẽ không thể có cái ngày họ đổi chiếc gùi nặng trịch, lên nước bóng nhoáng để đổi lấy những cái giỏ Trung Quốc vàng xanh lòe loẹt như  bài báo nào đó đã viết về họ, dù cho sức ảnh hưởng của đô thị hóa là thật và vòng xoáy kinh tế thị trường có tàn nhẫn phá hoại những giá trị tinh thần của họ đến đâu đi nữa. Đành rằng cái gì rồi cũng có thể được thay thế, nhưng chiếc gùi là vật linh thiêng cùng họ gánh cả một cuộc mưu sinh cơ cực; gánh cả một niềm vui lao động chân chính và theo họ đổ bóng lên những triền đồi hay thung lũng quanh co…

Sáng nay, ngồi trên chiếc xe êm ru mát lạnh đều đều lăn bánh, thi thoảng có xóc lên tí chút vì những ổ voi, ổ gà nhưng cũng đủ làm vài người ngồi xung quanh cau mày nhăn mặt. Tự dưng anh nghĩ nhiều đến họ, đến em, đến những giọt mồ hôi mặn mòi âm thầm rơi xuống để mỗi ngày đi qua, hơi ấm gia đình sẽ được lưu giữ cùng những bình an, nghĩ nhiều hơn bao giờ hết. Và, anh cũng thấy xấu hổ thay khi nhìn lại những đôi bàn chân “trót” tinh tươm, thơm sạch bởi suốt đời chỉ muốn lựa chọn cách đặt chân lên mặt thảm dầu mềm mịn như nhung…

BJ

_____

Hình minh họa: Pinterest

Đăng trong GHI CHÉP TẢN MẠN, Tạp bút

Hoa đào một mình, vẫn vui

ĐÀO NHÀ TA, HOA NHÀ NGƯỜI

Hai cành đào sinh ra từ một gốc

chia hai nhà, thắp sáng hai mùa xuân

Nhìn đào nhà ta, biết hoa nhà người đã nở

Tin nhắn chúc lành

đáp lời xa lạ

Người

Không còn là người của ngày xưa

Ta

Độc ẩm lúc giao thừa

Một mình hoa đào vẫn nở

Đời vẫn đi, tim không thôi nhớ

Xuân dừng trước cửa

Xuân không cùng mình

Vẫn xinh…

(Thơ Hữu Việt, trích Tuyển tập thơ văn Xuân Quý Mão 2023)

***

…Khi tôi đặt chân đến ngõ, hoa đào giăng khắp lối đi, kéo dài từ đầu hè ra đến tận sau bếp. Rồi, trong một rừng hoa chen nhau từ hồng phai, hồng bích, hồng đào, hồng phấn rực lên sắc xuân ấy, ông bà nội Bách rưng rưng đứng đón mẹ con tôi về. Hỏi ra mới biết, hai cụ cho vợ chồng anh gì trong Đông Thanh mượn mặt bằng bán đào ngày tết.

Vợ chồng cậu chàng bán đào thật khéo, biết tôi thích hoa nên cứ nài nỉ “Chị thích cành nào, cứ mang vào cắm, vợ chồng em biếu”. Tôi không nhận hoa vì biết năm nay khó khăn, bán cả 200 gốc đào, ăn dầm nằm dề, ngày nắng rát mặt, đêm lạnh run, con cái ở nhà gửi người trông hộ, trừ hết cả chi phí đi mới lời đâu đó tầm chục triệu. Nhận một niềm vui như thế, làm sao đành? Nhưng trả tiền thì cô cậu cứ gạt đi. Để vui cả đôi bề, vừa được ngắm lại đỡ việc cho xin với lại cảm ơn, tôi tự làm người bán đào hộ, rảnh rỗi đứng chụp mấy tấm hình hay thơ thẩn quét lá, xịt nước, tiện thể… chào khách, ra giá bán đào rồi bật cười khoan khoái nghe người ta èo xèo trả giá, thấy xuân năm nay sao mà rộn ràng quá thể…

Đêm 30, vợ chồng cậu chàng dọn hàng, chào bố mẹ tôi rồi về, không quên dúi vào tay hai cụ một phong bì nhỏ để các cụ có cái mừng tuổi con cháu. Tôi nghe lao xao, bước ra thì xe đã đi. Khoảng sân mới chiều còn dăm chục gốc đào giờ sạch trơn, tinh tươm. Đến cả mớ cánh đào rơi lả tả một lớp dày giờ cũng được vợ chồng cậu tỉ mỉ quét sạch, vun vào sát gốc cau.

Tôi nhặt vài cánh hoa còn tươi đặt lên lòng bàn tay, vò nhẹ. Mùi nhựa đào lan trong sương đêm, vừa ngọt ngào, vừa ngâm ngẩm đắng.

Ừ thì “…đời vẫn đi, tim không thôi nhớ. Xuân dừng trước cửa, xuân không cùng mình, vẫn xinh…” cơ mà.

Tôi buông tay.

Thôi nhé hoa đào. Hoa dừng trước ngõ, hoa không cùng mình, thì bấy nhiêu ấy cũng đã đủ đầy.

Vẫn vui…

______

Mấy tấm ảnh hoa đào, chụp khi nhàn rỗi…

Đăng trong CÀ PHÊ & SÁCH, Sưu tầm & Gìn giữ, Truyện ngắn - Tản văn - Bút ký

Cảm ơn Thủy Tiên

Một trong những điều khiến tôi tiếc nuối nhất ở mùa xuân năm nay ấy là không chơi thủy tiên.

Sau mùa thủy tiên củ vừa non vừa xấu, nhiều nhánh kẹ và đầy sâu bệnh (nói như các anh, các bác trong hội Thủy tiên là củ nhiều mụn ghẻ, mụn cóc) cộng với thời tiết nóng quá sức chịu đựng vào Xuân trước; năm nay tôi dặn lòng “thôi, không tơ tưởng gì đến gọt thủy tiên nữa. Cái gì không thuận tự nhiên thì đừng ép uổng. Khổ cả thủy tiên, khổ cả mình” – ấy vậy mà như một trò đùa, năm nay thời tiết Bình Dương lại lạnh một cách lý tưởng. Trước Noel lạnh, sau Noel lạnh, giáp Tết âm lịch cũng lạnh và sau tết Âm lịch 10 ngày vẫn còn lạnh…!!! Ơ kìa…?

Thên nữa, củ thủy tiên năm nay đẹp! Nhìn hội thủy tiên Hà Nội xuýt xoa mua từng thùng – ít thì thùng 8, vừa thì thùng 12, cao hứng bê hẳn thùng 24 mà sốt cả ruột. Nào là thủy tiên đơn, thủy tiên kép, cả vàng Chương Châu cũng rực rỡ và dễ gọt.

Ngay đến bộ dao khắc thủy tiên năm nay cũng thêm nhiều cao thủ nhập làng. Người ta nô nức khoe dao, khoe túi da bọc dao, nhìn ham không tả xiết.

Ấy thế mà tôi lại không gọt, không chơi, chùng chình mãi, để rồi cứ có đợt lạnh ùa qua lại chép miệng, tiếc nuối …

Nay thì thôi rồi, mồng 10 rồi, tôi chả ngóng gì nữa. Hội hoa còn chơi thủy tiên đến hết Rằm, chờ thêm đợt ra hoa vào tết Nguyên Tiêu. Nhớ năm ngoái có vị ém củ đến tận 8/3 còn khoe hoa, thấy mà choáng. Nhưng đó là Hà Nội chứ Bình Dương thì thôi đi, vẫn cái câu “cái gì trái tự nhiên xin chớ nhọc lòng…” làm câu tự nhủ. Hy vọng năm sau, nếu vẫn còn tấm lòng dành cho thủy tiên ta lại mang dao gọt với cả chậu ủ bằng đất nung ra ướm vậy.

Hôm nay vào hội, bắt gặp bài viết “Cảm ơn thủy tiên” anh Đặng Quang Tuyến đăng, đọc thấy hay quá nên xin giữ lại blog này, xem như cũng là một cách gửi tình cho hoa. Cám ơn anh Tuyến. Cám ơn tác giả Thục Uyên vì bài viết tuyệt đẹp đầu xuân.

Cảm ơn, Thuỷ Tiên – Nguyễn Thục Uyên

Một trong những thú vui quá vãng của tôi là được mũ áo sùm sụp, đan tay người thương cùng bách bộ trong gió lạnh cạn mùa. Anh dắt tôi xuôi cống chéo Hàng Lược, dũi qua Đồng Xuân, lượn qua lượn lại góc Hàng Khoai…tìm lại trong mưa bụi hình bóng ngôi nhà của thời muôn năm ấy. Gạn chút năm cũ với mây xám đêm dài, dừng bên tường đá Gầm Cầu làm đôi chè chén, thật không khác gì được sắm Tết trong cái nhớ Tết. Tết của chuyện kể hiền như thần thoại, của mùi vị óng ánh bên trong ván cửa lùa, của thú chơi tài tử hào hoa, của mùi pháo cũ tiễn nhiều năm cũ.

Ông bà tôi những năm ba mươi, cứ hạ tuần tháng Một là lên Đồng Xuân sắm sửa. Làm đôi bánh pháo mãn-địa-hồng, làm vài hộp hương đen, rồi rẽ sang con đường thủy tiên bên ngoài chợ. Trong cái nắng yếu hắt xuống từ phía Tây thành phố, hai hàng thủy tiên lộng lẫy như vuông lụa, đẹp đến độ ai cũng ướm thử mặc chốn chợ đông. Thủy tiên của cái thời mà từ tỉnh đến quê đều chuộng, thì mua để “chơi” Tết là việc chả mấy nhà không làm. Ít thì năm bảy củ, nhiều thì một “nắp” (loại sọt nom như vại dưa con). Thời các cụ, đã “chơi” thì món gì cũng phải dụng công, bởi mọi sự thú vị nó lại nằm cả ở chỗ cầu kỳ, thế mới khổ! Chả thế mà, tất tật lớn bé không ai bảo ai, đều dắt nhau đi thửa dao trên Hàng Mã. Mua thủy tiên về bày khắp nhà, hay thuộc lấy vài đoạn hư văn bóng bẩy…thì mãi vẫn chỉ là loại “tay mơ”, không thể thành “tay chơi” được. Chẳng có đâu những “lá lúa”, “bằng đầu” hay “lòng máng”, thời ấy chỉ có duy nhất một loại dao “thợ mã”, vốn chuyên dùng trổ giấy trang kim. Bởi vậy mà, dạy nhau chơi thì dễ, nhưng dùng dao tài tử thế nào lại là cái duyên điệu nghệ của mỗi tài hoa.

Như mọi cuộc chơi, các lớp lang của cuộc chơi thủy tiên cũng đông đủ. Một là chọn củ, hai là chọn thời gian, ba là chọn lối chơi (trồng hoặc gọt tỉa), bốn là chọn hãm hoặc thúc. Nhìn bên ngoài củ đều giống nhau, nhưng với hoa đơn củ nhẹ bồm bộp và nơi mọc rễ lồi ra, trong khi hoa kép củ tròn nặng tay còn nơi mọc rễ sẫm màu, lõm vào. Mọc hai bên củ cái có năm đến mười hai nhánh – còn gọi là chi hoặc củ con, hễ chia nhánh đều thường cho dáng đẹp. Năm nào nóng nhiều làm thủy tiên dễ thối, thì y rằng phố Phúc Kiến lại nườm nượp kẻ mua thanh-phàn, ông bà tôi hay gọi là phèn – phèn xanh. Cứ một bát nước bé tí tị tì ti bằng cái âu cơm thì thả vào một mẩu phèn to đùng đoàng cữ hai hạt cườm, pha thật loãng thế thôi để khi ngâm củ không bị xót, chỉ cần một đêm là xong. Thời gian trồng tỉa tuyền ướm theo thời tiết. Lạnh đều thì sau mùng một, còn ấm dài thì lùi lùi lại, tầm mùng bảy tháng Chạp bắt đầu là vừa đẹp. Ai đã chơi lâu đều ưng trồng tỉa muộn đi một tí, vì vốn dĩ thúc hoa nở sớm vẫn dễ hơn hãm hoa. Vào ngày đầu tiên, ông bà tôi sẽ thắt dây lụa lên cao đặng canh gió. Hôm nào gió quay Tây Bắc thì ôm hết thủy tiên vào nhà, để đêm ấy sương muối không làm cây không bị chột.

Thủy tiên là loài hoa có rất nhiều dị bản cổ tích, mà không bản nào giống bản nào, thế mới tài. Như ở Trung Hoa, thủy tiên còn có tên là Nữ Xử. Sách chép rằng, có một nhà họ Diêu ở cầu Trương Lý đất Trương An, khi có mang nằm mộng thấy sao Nữ Xử sa xuống rồi hóa ra bông hoa có tên Thủy Tiên. Người mẹ nhặt lấy hoa và nuốt đi, tỉnh dậy sinh ra một người con gái rất đẹp, vừa biết nói thì đã hay chữ một cách lạ lùng. Cha mẹ bèn đặt tên là Diêu Thủy Tiên, tự là Nữ Xử, đời sau theo tích đó mà gọi hoa thủy tiên là hoa Nữ Xử. Thuở ban đầu, thủy tiên chỉ là một sản vật đặc biệt trên một khu ruộng rất to thuộc trấn Cửu Hồ, Chương Châu, Phúc Kiến. Vào tiết Đông chí hàng năm, dân bản địa bảo nhau đi bòn củ nằm dưới các lớp tuyết ngoài đồng, bó thành từng bó rồi xếp ngay cạnh ruộng, tự khắc sẽ có các lái hoa đến buôn rồi tải đi khắp nơi. Cuối đông tuyết tan, những củ thủy tiên còn lại bắt đầu đâm búp, và chỉ trong vài tuần là cả một vùng hoa nở đầy đồng, cảnh sắc như thần thoại. Những nơi khác ở Trung Hoa học theo đó mà gây trồng thủy tiên, nhưng chỉ ở Chương Châu mới có loại thủy tiên đẹp nhất, củ nhiều chi và chắc nhất, hoa to và thơm nhất.

Gọt tỉa để hoa lá lên như đúng ý là việc không dễ biên trong vài dòng. Đơn cử như với lá, nếu chọn lối tỉa kiếm diệp thì lá mọc chéo cánh sẻ, chọn lối tỉa một chiều làm lá uốn thành vòng tròn không khép, chọn lối tỉa cua bò cho lá mọc cong lò xo.. Đấy là chưa kể, người chơi thủy tiên hầu hết rất kiêu hãnh và độc lập, nên họ sẽ lựa chọn hoặc kết hợp các lối tỉa để sáng tạo lại cho chính mình. Chơi theo lối gọt tỉa cần nhất là sự tỉ mỉ, nên với kẻ không đủ tài hoa như tôi thì chơi theo lối trồng mới thực hợp cách. Bỏ hết bẹ củ khô, cắt hết bẹ thâm nâu rồi thả vào bát nước. Ngày bao cấp nếu không bói ra cát, trấu hoặc sỏi thì dùng bi đất nhiều màu. Gì cũng được miễn là chặn cho củ vốn nhẹ xốp không bị nổi lên, nước phải ngập thì củ mới không bị rám. Nước mưa tích sẵn trong thùng phuy, tuần đầu tiên ngày hai lần, từ tuần tiếp theo hai ngày một lần, thay nước đều để chất nhớt từ rễ không làm củ bị thối. Thủy-tiên-trồng kiểu chẹn sỏi sẽ cho lá vống lên trong khi hoa lại lòng khòng cong xuống, hay bị thiên hạ so bì với thủy-tiên-tỉa vốn mực thước phân tầng thượng-trung-hạ. Người dưng mới thế, chứ kẻ chơi hoa lại chẳng ai cân đong hai lối chơi với nhau, vì nó rất khập khiễng và vô nghĩa. Muốn lá mọc thấp còn hoa vút lên thì lúc đầu cũng trồng chẹn sỏi như trên, đến khi hoa lá đã mọc đều thì chuyển sang trồng trong đất và tưới đẫm nước, sẽ được như ý. Với tôi mà nói thì sự không khuôn khổ, dù có được công nhận hay không, vẫn luôn sở hữu vẻ đẹp của riêng nó. Thủy tiên có mọc đâm ngang như hành thì đã làm sao, bởi sự lộn xộn ấy vẫn thanh thuần một vẻ đẹp khác biệt. Vẻ đẹp của tự do.

Hà Nội những năm ba mươi, có một chốn gọi là Thủy-tiên-trang, nằm mãi trên đường Ngọc-hà. Nơi ấy vừa là tòa soạn của Khoa-học tạp chí, vừa là nơi thí nghiệm để giống thủy tiên của nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu. Sau này, mùa hè làm cây bị chột và hoa ra thất thường, nên thủy tiên giống mới được gửi hết lên Sapa. Với tất cả sự ngưỡng mộ dành cho những cây thủy-tiên-ta đầu tiên, dân chơi Hà thành gọi đấy là “thủy tiên cụ Tiễu”. Các cuộc thi dần được mở khắp nơi, thủy tiên thịnh trị từ Hà Nội xuống Hải Phòng sang Nam Định vào đến Huế. Và cuộc nào thì cũng có hai giải, một cho thủy-tiên-trồng, một cho thủy-tiên-tỉa. Người đến hội vì yêu hoa cũng lắm, vì tìm mua lại thủy tiên kép cũng nhiều. Thủy tiên đơn – được biết đến với tên chữ là “kim trản ngân đài”, cánh như bạch ngọc ôm lấy vành nhụy vàng sắc sảo. Cũng sáu cánh trắng nhưng ở thủy tiên kép thì nhụy vàng chen lộn xộn với cánh con nên thành ra kém đẹp. Bù lại, hương thơm ở hoa kép đậm đà hơn nhiều, rất thích hợp để ướp trà. Giống như nhài, sói, ngâu..thủy tiên vốn dễ bắt hương nên chỉ cần ướp ba đến bốn lần là đạt. Không rõ nước đậm hương ngát đến độ nào, nhưng có lúc lên Hàng Ngang rồi cũng đành trở lui, vì kẻ chờ mua trong ngoài đông không cơ man nào mà kể. Nổi tiếng nhất là trà thủy tiên của hiệu Phúc-thái.

Thủy tiên giống các loài thơm ngát khác, khi tỏa hương cũng thả ra rất nhiều thán khí. Người già hít lâu thường hen suyễn, người trẻ ngửi lắm thì hay bóng đè mộng mị khi ngủ. Bởi vậy mà khi đặt trên hương án hay tràng kỷ, thường chỉ dùng một đơn vị – cốc hoặc bát. Muốn bày nguyên một mâm thì lại phải kê lên cái đôn cao bên cửa sổ luôn mở. Phía sau cái đôn ấy, trên mảng tường vôi được quét lại hàng năm, mỗi Tết ông bà đều treo dòng tranh của thị dân, tranh Hành Trống. Lúc là bộ nhị bình gồm Lý ngư vọng nguyệt và Thiên hạ thái bình, lúc là bộ tứ quý gồm Mai-điểu, Liên-áp, Cúc-điệp, Tùng-lộc, năm thì tranh Tam đa, Thất đồng, năm lại là bức Tử tôn vạn đại..Trong số các nghệ nhân tranh Hàng Trống thuở trước như Lê Đình Liệu, Lê Đình Thố…thì nghệ nhân Vũ Văn Nghi rất thân thiết với gia đình. Sau mỗi bận sáng tác, người nghệ nhân già đều chuyển tranh mẫu sang Hàng Gai để thợ khắc trong thư quán của cụ Ngoại chuyển ngược sang ván gỗ. Những bức tranh sau in cứ chảy dài thong dong, màu sắc bề thế rất ý nhị với với mâm thủy tiên kiêu kỳ thư thả.

Hơn 60 năm sau, ký ức mãn khai nhất của một đêm ba mươi trong lòng bà Ngoại vẫn không hề thay đổi. Khước từ hơi ấm của mùi hương đen lẫn mùi diêm sinh đang đì đẹt, mâm thủy tiên vẫn ngậm cười nửa miệng, rò lớn rò nhỏ nhất mực chờ trận đông-phong. Hoa cũng biết ý người, đợi ông bà trở dậy vào lối bốn giờ sáng, cùng uống trà thưởng hương trong bình minh hoan hỉ. Bà vẫn bảo, ướm thấy lòng muốn chơi hoa thì nên hiểu về hoa, nào là sen nở về trưa, nhài nở về đêm, còn thủy tiên nở về ban mai…Biết lúc hoa nở để biết lúc nào hương chín, ấy là trước khi nở độ hai khắc. Hương chín là chỉ thơm se sẽ chứ không thơm quá, thoang thoảng mà sắc nét, vô cùng thật thà. Được gọi là mùi hương khó nắm bắt nhất trong các mùi hương, cũng vì thủy tiên có lối thơm khó mường tượng. Không ngào ngạt như sen, không kiểu cách như sói, không nồng nàn như nhài, không khêu gợi như hồng, không ngát như mộc, không thoảng như ngâu…hương thủy tiên khiến ai đã từng gặp gỡ đều có chút nghi ngờ khi gặp lại. Cũng gọi là ngát đấy nhưng rất thanh kỳ, vừa hiển hiện vừa biến mất, mơ hồ mà mồn một. Tinh khôi ma mị thế, nên người chơi cứ hay bị đượm lòng, bảo sao..

“Ngày vui ngắn chẳng đầy gang”, trong Kiều là câu thứ 351.. Còn ngày buồn của thủy tiên, có lẽ những ngày dài nhất, là khi nhà nhà phải xách làn ra chợ Giời. Cổng chùa Vua của thời bao cấp không Phật không Bồ tát, chỉ thấy lăn lóc cốc tách bát đĩa mạ vàng, còn những bát gốm kiểu những cốc pha lê chuyên bày thủy tiên thì thôi la liệt…Truân chuyên là thế, vậy mà chỉ bẵng đi một độ, thủy tiên lại về được Thủ đô. Bằng cách nào đó, qua tay những người buôn thuốc bắc, rồi dấm dúi chia nhau trong gió mùa. Cái chậu dưới gậm giường sẽ được ba tôi lôi ra mỗi tối, đôi chim không trẻ cứ thế cúc cu gọt rửa đến khuya, một trời mãn nguyện dưới ánh đèn dầu. Đến một ngày thủy tiên cũng bắt đầu hàm tiếu, tức là nụ đổi dần từ xanh sang trắng, và ngóc lên. Thúc cho hoa nở sớm bằng việc tăng nhiệt độ, xé giúp bọc búp hay tưới hoa bằng nước muối là việc nhàn nhã hơn nhiều so với việc hãm. Từng nụ sẽ được bọc riêng trong mẩu giấy bản đã phết sẵn một lớp lòng trắng trứng gà, làm vậy thì trước lúc cho nở chỉ cần lấy bút lông phết nước đều lên, giấy sẽ tự bung ra. Hãm ít ngày thì hoa vẫn đẹp, chứ hãm lâu quá đến khi nở nom rất buồn cười, cánh răn như mào anh gà sống. Bọc xong từng nụ thì mỗi rò lại được bọc nhẹ trong giấy năm hào hai, rồi cả bát bị gói giấy báo, cất vào tủ lạnh Saratov. Chờ ngày của tống cựu nghinh tân.

Đêm ba mươi năm 1983, tôi đã gặp khoảnh khắc giàu có nhất của đời mình. Đợi ba mẹ gỡ hết giấy giếc báo biếc, hai chị em cùng lọng cọng bê thủy tiên ra mâm cúng giao thừa. Sợ bị rơi nên tay gồng cứng, run không thể tả, nhỡ đang đi mà gấu quần phíp vấp dép nhờ, thì nói gì nữa…Trốn trong màu khói của bánh pháo Trúc Bạch đang tạch xì đùng, làn hương vốn bị nhốt kín nay ùa ra, phưng phức như được thể. Bát hoa kín đặc những cánh muốt như sứ, nhụy óng như tơ, những chiếc lá thuôn dài như lá địa lan, tất thảy cứ ngời ngợi trên lớp mache màu xác pháo. Bởi trồng thiếu sáng, các cuống lá vốn màu ngọc lục bảo đã bị úa vàng, vậy mà chiếc vẫn cuộn lại, chiếc vẫn cong mình, chiếc vẫn ưỡn thẳng..diễm lệ và kiêu hãnh như một kiệt tác. Với một con bé con mà vừa buổi trưa còn xách gạo đi đổi bún, thì được thưởng ngoạn vẻ đài các ấy là thứ cảm xúc tuyệt đỉnh vàng son, mãi mãi không châu báu nào trên đời có thể mua được. Chắc bị gì nên lúc ấy tôi mới nghiêng đầu lí nhí “cảm ơn ạ” – với bát thủy tiên, làm ba mẹ dở khóc dở cười, choàng cả hai chị em vào lòng.

Cảm ơn thủy tiên của tháng ngày dâu bể ấy, đã vì một cô gái chín tuổi, mà nở hoa!

Tiết Tiểu hàn 2022, biên bên cây Mộc còi.

Nguyễn Thục Uyên

__________________________

Ảnh minh họa: anh Đặng Quang Tuyến

Đăng trong GHI CHÉP TẢN MẠN, Tạp bút

Mua gì cho ngày xa cách?

Nguồn ảnh: Pinterest

Siêu thị đông người tất bật

Thang cuốn xuống lên rộn ràng

Người người tay xách nách mang

Hình như xuân về đấy nhỉ…?

*

Thang thang như người mộng mị

Đẩy đưa chân cuốn dòng người

Mua gì cho nỗi nhớ vơi

Mua gì cho người xa cách

*

Dặn lòng thôi không hờn trách

Mà sao cứ thấy vu vơ

Mùa vàng giờ đã gầy xơ

Mùa tươi cứ tươi tươi đậm

*

Mua gì cho xuân đến chậm

Mua gì cho hồng đừng phai

Mua gì cho mắt thôi hoai

Mua gì. Lòng người xa cách …!

(Thơ trong laptop)

***

“Nhặt được” bài thơ nằm trong laptop. Có lẽ bài thơ nằm yên trong ấy rất lâu rồi, đến mức mình không còn nhớ đấy là thơ ai, ai viết, hay mình viết, viết lúc nào…? Nhưng, chắc chắn, lúc chép bài thơ này vào máy mình đã rất buồn, hoặc lúc ấy lòng mình chơi vơi lắm lắm.

Hôm nay đọc lại bài thơ cũ, mới nhận ra lâu lắm rồi mình không còn buồn, mà cũng thôi vọng động.

Có lẽ, mình buông. Năm tháng càng đi xa, lòng mình càng âm trầm, trôi dần trôi dần, như kiểu ngày trôi dần về Tết thế này này. Chỉ còn đâu đó lắng lại một chút hoài niệm, một chút vui, và hơi hơi thổn thức. Đủ để khi nhớ về mình cười thật nhẹ, và thở ra cũng nhẹ.

Sắp tết mà, nhỉ. “Trời sắp tết, hay lòng mình đang tết. Tháng ngày đã trôi qua, lòng cũng phôi pha, người cách xa. Chỉ còn chút hương xa, rồi cũng phong ba, rụng cùng mùa….”

Hai hôm nữa thôi là Tết ông Công, ông Táo rồi. Mấy nữa mà lại sang năm!

Đăng trong Lời thương, NHƯ MỘT MÓN QUÀ

Viết cho em…

______

Một cái note nhỏ, tôi viết cho em, hôm qua đăng lên tập san 20/11.

Ban đầu, bên edit chỉnh font chữ viết tay nhìn rất dễ thương, đúng kiểu “viết thư” nhưng khi dàn lên trang nét chữ mảnh, màu mực tím khiến bài viết hơi khó đọc. Tôi đã đề nghị đổi font chữ, và bên edit chọn 1 cái font dễ đọc nhất trái đất theo đúng nguyện vọng của tôi. Tất nhiên, cái gì dễ thì lại không xinh 😀

Tôi ngại đòi hỏi bởi hiểu bên edit không phải chỉ đăng mỗi bài của tôi. Họ còn mấy chục bài khác đang phải lên trang, chạy cho kịp deadline. Thế nên giữa “đẹp” và “dễ đọc”, tôi chọn dễ đọc.

Chưa như ý, nhưng tôi thấy vui vui. Kiểu màu mực tím phối hợp màu xanh lá và những nhánh hoa oải hương thật gợi.

Chúc mừng tôi – 20/11/2022.

Đăng trong GHI CHÉP TẢN MẠN, Tạp bút

Tháng Mười – mùa hoa bưởi…

(Nguồn ảnh: Pinterest)

Sau những đợt mưa ray rắt kéo dài, rặng bưởi già vườn bên bất chợt trở mình đơm chồi, mượt lá. Rồi từng chùm nụ nhỏ nhoi lớn dần lên theo mùa, tròn căng ngả sang màu trắng. Vừa lúc chim hoàng anh líu lo gọi bạn là lúc hoa bưởi bắt đầu hé năm cánh trắng xen chút phấn vàng giữa đài hoa thơm thoảng hương bay

Chùm hoa bưởi nghiêng nghiêng, đung đưa theo nhịp vỗ cánh của bầy ong tìm nhụy. Cơn gió mỏng đi qua, hoa khẽ khàng buông tặng dăm cánh trắng trên vai áo anh, vương thêm đôi cánh nữa cho mái tóc dài em thêm ngan ngát. Hoa rơi nhẹ lắm, như để chúng mình đừng giật mình bỡ ngỡ phút tìm về…

Rồi trên bờ ao, trên giếng thơi, trên vại nước ăn cũng nổi trôi dăm cánh hoa muôn muốt. Em đi làm về chỉ thích nhúng đôi tay vào chậu nước thơm,  rồi nhẹ vỗ lên môi, lên má để cảm nhận thứ hương quen thuộc, dịu dàng đang len mãi vào phía sâu kín lòng mình. Ngọt ngào. Quyến rũ. khó quên!

Rồi cứ thế, mùa qua mùa, cứ thế. Cho dù hoa bưởi đã khô, hương bưởi đã cạn thì nỗi nhớ niềm thương chẳng bao giờ phai nhạt. Và ước mơ thầm kín được đôi bàn tay anh nhẹ nhàng thay chiếc lược chải hoài lên mái tóc em vẫn còn ấp ủ.

Anh ạ, có một ngày, hương bưởi sẽ thay em nói biết bao điều…

CF

Đăng trong VƯỜN THƠM

Mùa thu hoa quỳnh nở…?

Hình như mùa thu là mùa hoa quỳnh nở?

Tôi không chắc, chỉ đoán thế, vì những ngày này hoa quỳnh nhà tôi – đặc biệt là dạ quỳnh – bắt đầu cựa mình, bung cánh.

Bạn bè trong hội nhóm Hoa quỳnh bảo rằng trồng quỳnh tâm phải tĩnh. Một chậu quỳnh – nhanh thì 3 năm, chậm có khi dăm bảy năm, mười năm mới cho hoa bói. Nhật quỳnh phát triển nhanh hơn một chút, vì đó là giống quỳnh lai. Còn Dạ quỳnh, giống quỳnh các cụ vẫn gọi là Quỳnh Hương vốn có tên khoa học là Epiphyllum Oxypentalum – là giống quỳnh thuần chủng nên càng lâu có hoa hơn. Có chị ở Đức lên hội than thở chị trồng chậu dạ quỳnh suốt 15 năm nay mà chỉ toàn ngắm lá, chưa được thưởng quỳnh lần nào.

Nói như chị Lệ – một admin trong nhóm Quỳnh Non – rằng Chơi quỳnh cần có cái duyên. Có người ướm cái lá quỳnh xuống đất, sau vài tháng đã rối rít khoe hoa bói. Có người mòn mỏi, đến mức nản chí bán rẻ chậu quỳnh đi cho khỏi chật vườn – thì lạ thay sang chỗ mới lại ra nụ, khiến chủ cũ vừa bực vừa tiếc. Có người lại nói Cây quỳnh cần có cánh Giao, chúng nó tựa vào nhau để sống. Có Giao, Quỳnh sẽ mau hoa.

Tôi không tin lắm chuyện “Cây Quỳnh cành Giao”, cũng không quan trọng lắm chuyện “duyên hay không duyên” – quỳnh là tên tôi, nên tôi yêu nó là nhẽ thường. Thêm một chút lãng mạn còn sót lại, nên giữa những chật chột ngột ngạt ngày thường, tôi vẫn muốn dành cho mình một khoảng trời riêng nhỏ xíu, mát mát xanh xanh thơm mùi nhựa cây, hoa cỏ. Ví như đứng ngắm chiếc lá quỳnh non vươn lên trong đêm trăng, hay chạm vào cái mầm đỏ au nhú qua bầu đất ẩm. Thế nên tôi trồng quỳnh. Quỳnh có hoa thì rõ ràng là thích, nhưng chưa hoa cũng chả sao, tôi đợi.

Ấy thế mà sau 1 năm chăm quỳnh – từ chiếc lá nhặt nhạnh sót lại sau vụ ship hàng bị dập tan tành được đem ươm vào cái chậu bé bé – những ngày đầu tháng tám này tôi lại có niềm vui ngắm hoa quỳnh nở. Điều này khiến tôi ngạc nhiên đến ngây ngốc, lại có chút hạnh phúc, một kiểu hạnh phúc ngây thơ khiến người ta bật cười khúc khích khi vô tình đạt được.

Từ một nhánh lá ươm xuống, chờ ổn định, ra rễ, ra mầm, lớn lên, trưởng thành, bung nụ thật lâu, nhưng khi nụ bung rồi thì lớn như thổi, thay đổi hình dáng mỗi ngày. Tầm 10 – 15 ngày sau, từ 1 chiếc nụ bé như hạt gạo màu xanh biếc quỳnh sẽ biến đổi mỗi ngày để trở thành một nụ quỳnh căng mọng, mây mẩy, ướp hương trong từng búp cánh. Khi lớp đài hoa bên ngoài bắt đầu cuộn lại, uốn xoăn xuýt, lộ viền hồng ưng ửng bên trong là đến lúc mang hộp trà thơm ra pha đôi ba chén, thu xếp gọn gọn bữa cơm chiều để buổi tối thong dong ra đứng ngắm quỳnh. 7 giờ tối quỳnh sẽ vươn lên. 8 giờ sẽ bắt đầu hé mở lớp cánh ngoài cùng. 9h quỳnh nở hàm tiếu nhưng phải đến gần nửa đêm mới mãn khai. Chừng 3h sáng quỳnh sẽ dần dần cụp cánh, và 5 giờ sáng hôm sau quỳnh chính thức buông rũ, khép một vòng hoa.

Những ngày này, trong hội cũng có nhiều anh chị khoe dạ quỳnh nở. Nhiều chậu quỳnh già bung cả vài chục nụ, trắng sáng trong đêm thật rực rỡ. Thế nên tôi mới tự hỏi, liệu có phải mùa thu hoa quỳnh nở không nhỉ? Có thể đúng, có thể chỉ là sự trùng hợp nhưng ý nghĩ “mùa thu hoa quỳnh nở” khiến lòng tôi mềm đi, man mác.

Thêm một điều mới mẻ – với tôi – ấy là chuyện chụp ảnh hoa quỳnh nở. Ảnh hoa quỳnh nở thì các nhiếp ảnh gia đã chụp nhiều rồi, cá nhân tôi cũng bấm lấy vài tấm gọi là. Vậy mà, cách đây mấy hôm tôi vô tình được ngắm bộ ảnh “Quỳnh rủ” – Bạn ấy đã dùng máy cơ chụp hoa quỳnh vào buổi sớm mai, khi những cánh hoa đã khép lại, gục xuống trong nắng ban mai. Không hiểu sao tôi lại thấy đẹp một cách kỳ lạ. Những tấm ảnh phim không hề gợi lên chút xiu nào sự lưu luyến tiếc thương mà chỉ tràn ngập một sắc thái an ổn, như thể sau một đêm nở trọn vẹn, quỳnh an nhiên tàn đi theo lẽ thường tình.

Nhất định, lần sau, khi hoa quỳnh đã nở, tôi sẽ lưu lại hình ảnh những cánh hoa buông. Mà nói thế, chứ ai biết được mùa thu hoa quỳnh có còn nở nữa hay không, để mong chờ…!