Đăng trong GHI CHÉP TẢN MẠN, Tạp bút

Tìm một lối về …

– Làm ơn cho tôi biết tôi phải đi theo hướng nào đi?
– Cái đó còn tùy thuộc bạn muốn đi đâu nữa cơ.
– Nhưng … nhưng tôi cũng không biết tôi cần đến nơi nào nữa!
– Ồ, vậy thì bạn đi đường nào cũng có khác gì đâu?

536409-1366x768

Anh ạ, đó là đoạn đối thoại rất ngắn giữa cô bé Alice và chú mèo thông thái trong câu truyện “Alice lạc vào xứ sở thần tiên” của Lewis Caroll mà em vẫn thường đọc đi đọc lại nhiều lần mỗi khi thấy lòng mình chật hẹp vì chất chứa quá nhiều những ngổn ngang chưa thể nào thu xếp, vì những nhọc nhằn làm chân em do dự chùn bước, hoặc đơn giản hơn (như lúc này đây) khi nỗi nhớ làm em quắt quay thổn thức, khi yêu thương làm em da diết ngóng tìm, và khao khát bình yên làm em muốn tìm một lối về!

Vâng, đôi khi em cũng cần tìm một lối về … Vì, em nghĩ, thật ra không chỉ có Alice hay em mà bất cứ ai trong chúng ta cũng muốn trên những dặm dài mưu sinh sẽ tìm được một lối riêng để trở về. Nhưng “tìm một lối về” không có nghĩa là ta đang đi lạc, ta đang hoang mang, ta đang hồ nghi không biết mình là ai, không biết mình cần gì, không biết mình muốn gì, không dám tin vào khả năng của mình và cũng chẳng xác định được tương lai sẽ ra sao như cô bé Alice ngây thơ, đẹp xinh và giàu mơ mộng. “Tìm một lối về” cũng không có nghĩa là ta không biết phải chọn lối rẽ nào cho cuộc đời mình hay không thấy con đường mà mình đang đi.

Với em, “Lối về” là nơi em có thể tìm được đúng giá trị hạnh phúc mà em đang hướng đến hay đang mong mỏi kiếm tìm. Thế nên, lối về có khi là một ngõ trúc thăm thẳm những ngày xanh, lắng dịu nhưng ken dày trong ký ức. Ngõ trúc ấy có tiếng se sẻ, chào mào lích chích trong vòm lá. Ngõ trúc ấy có hương Hoàng lan thoang thoảng mỗi chiều đông đứng ngóng mẹ về. Ngõ trúc ấy có bóng dáng bà ngoại lặng bên khung cửa sổ nâu trầm chờ đợi từng đứa cháu đi xa…

Lối về, có khi là một đoạn đường nối dài nằm ven sông em vẫn hàng ngày đi qua để đến trường. Đoạn đường ấy mỗi mùa trăng thường bạt ngàn sen trắng, sen hồng. Những búp sen vừa hé nụ thường được bó tròn trong lá sen xanh, mơn mởn, thơm mát dễ làm em chạnh nghĩ về một khuôn mặt thiếu nữ đang e ấp giữ chặt chiếc yếm thêu hoa và lời hẹn ước tháng Năm về…

Lối về, cũng có khi là một đêm không ngủ, nằm thao thức nghe tiếng guitar của em trai chầm chậm đổ những hợp âm quyện vào lời hát “… mái nhà xưa yêu dấu, bức tường rêu phong cũ, nơi mình đã qua những ngày thơ ấu …Đi qua bao gập ghềnh, cuộc đời mãi lênh đênh. Đi qua bao vô tình, một đêm nhớ tiếng ru mẹ hiền …” (*) mà thương quá ngày xưa …

Lối về, có khi là giữa buổi trưa nghe tiếng anh cười vang, em đã cuống quýt vội vàng thay tà áo mới; có khi trong từng giấc mơ riêng, em vẫn thấy ta đang cùng nhau xây chung một giấc mơ bình yên và lành lặn …

Lối về, với em, là thế đó …! Nên chi em vẫn yêu hoài câu chuyện cổ tích của Lewis Caroll. Em thích cái cách ông ấy cho cô bé Alice một chú mèo thông thái đứng kề bên để trả lời những câu hỏi mà tự bản thân Alice không thể tìm thấy lời giải đáp. Chú mèo ấy chính là lý trí còn những câu hỏi mới nghe qua tưởng chừng rất ngớ ngẩn “Ta là ai?”, “Ta đang ở đâu?” hay “Ta cần gì?” chính là chiếc kim chỉ hướng đi nằm trong cái la bàn đặc biệt – la bàn lý trí; phải thế không anh?

Còn em, em không có chú mèo thông thái như Alice nên mỗi lúc muốn biết chắc mình không đi lạc, lúc nào mình cần đi thẳng, lúc nào cần rẽ lối, và lúc nào cần một lối về em vẫn thường đặt tay mình lên phía trái tim.

La bàn của em luôn ở đó …!

– CF&S –

Tác giả:

“Chẳng phải để trở thành nhà văn mà người ta phải viết. Viết là để lặng lẽ trở về, về với tình yêu thiếu vắng trong tất cả tình yêu” – Christian Bobin